Thủ tục hải quan đối với tạm nhập, tái xuất phương tiện quay vòng

16/05/2023


Tình huống:

Công ty A (EPE) bán sản phẩm cho Công ty B (EPE) và Công ty C (non-EPE). Khi đó, Pallet và thùng carton được sử dụng làm bao bì vận chuyển. Tuy nhiên, Công ty A muốn sử dụng chúng dưới dạng hàng có thể trả lại. Vậy thùng carton và pallet khi trả lại có phải làm thủ tục hải quan hay không?

Giải đáp: 

Thùng carton, pallet là phương tiện quay vòng để chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Khi đó công ty A sẽ phải làm thủ tục tạm xuất – tái nhập. Công ty B và C sẽ phải làm thủ tục tạm nhập – tái xuất.

1. Thời hạn tạm nhập tái xuất phương tiện quay vòng

Căn cứ khoản 2 Điều 49 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, thời hạn tạm nhập – tái xuất, tạm xuất – tái nhập thực hiện theo thỏa thuận của thương nhân với bên đối tác và đăng ký với Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục. Trường hợp thương nhân với bên đối tác thỏa thuận kéo dài thời hạn tạm nhập, tạm xuất thì trước khi hết thời hạn đã đăng ký, người khai hải quan có văn bản thông báo và nộp kèm văn bản thỏa thuận gia hạn tạm nhập, tạm xuất cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục. Quá thời hạn tạm nhập, tạm xuất đã đăng ký, nếu thương nhân chưa tái xuất, tái nhập hàng hóa thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Chính sách thuế quan đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất phương tiện quay vòng

Hàng hóa tạm nhập tái xuất được miễn thuế căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất nhập khẩu 2016: “Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định, bao gồm:

d) Phương tiện quay vòng theo phương thức tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;”

Bên cạnh đó, căn cứ khoản 8, Điều 9 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định: “Trong thời hạn tạm nhập tái xuất mà người khai hải quan đã đăng ký với cơ quan hải quan, phương tiện quay vòng chưa phải nộp thuế. Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng phương tiện quay vòng, thủ tục hải quan thực hiện như sau:

a) Người khai hải quan có văn bản gửi Chi cục Hải quan nơi đăng ký bảng kê tạm nhập và làm thủ tục tạm nhập giải trình rõ lý do thay đổi mục đích sử dụng phương tiện quay vòng;

b) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi đăng ký bảng kê, làm thủ tục tạm nhập có trách nhiệm xem xét lý do, giải trình của người khai hải quan; nếu không phát hiện dấu hiệu gian lận thương mại thì chấp nhận đề nghị của người khai hải quan;

c) Người khai hải quan phải làm thủ tục nhập khẩu theo quy định tại Mục 5 Chương này tại Chi cục Hải quan tạm nhập. Trường hợp tạm nhập tại nhiều Chi cục Hải quan thì lựa chọn một Chi cục Hải quan tạm nhập để làm thủ tục hải quan nhập khẩu.”

3. Thủ tục hải quan đối với tạm nhập, tái xuất phương tiện quay vòng

Căn cứ khoản 4 Điều 49 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định:

(1) Đối với phương tiện quay vòng là (i) Container rỗng có hoặc không có móc treo; (ii) Bồn mềm lót trong container để chứa hàng lỏng; (iii) Phương tiện (bồn) chứa khí, chất lỏng có kết cấu ổn định, bền chắc, được sử dụng chuyên dùng chứa và vận chuyển khí, có số ký hiệu in cố định trên vỏ mặt bồn, và chuyên chở bằng xe ô tô chuyên dùng:

Khi nhập khẩu, xuất khẩu người khai hải quan khai trên Bảng kê tạm nhập hoặc tạm xuất và nộp các chứng từ quy định gồm: (i) Chứng từ vận tải đối với hàng hóa tạm nhập vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt: 01 bản chụp; (ii) Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật có liên quan: 01 bản chính.

Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập hoặc tạm xuất theo dõi, đối chiếu, xác nhận về số lượng phương tiện tạm nhập, tạm xuất; kiểm tra thực tế khi có nghi vấn.

(2) Đối với phương tiện quay vòng là các phương tiện khác có thể sử dụng nhiều lần để chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì thủ tục hải quan thực hiện như đối với hàng hóa nhập khẩu thông thường.