Vấn đề thường gặp về Thủ tục xử lý phế phẩm, phế liệu – Dịch vụ đại lý Hải quan

11/08/2019


Tình huống 1: Doanh nghiệp chế xuất (DNCX) nhận gia công cho doanh nghiệp chế xuất khác, cả hai bên lựa chọn không làm thủ tục hải quan. Vậy sau khi kết thúc hợp đồng gia công, công ty có phải làm thủ tục hải quan xử lý phế liệu, phế phẩm hàng gia công luôn không? Nếu có thì thời hạn bao lâu phải làm xong thủ tục xử lý phế liệu, phế phẩm hàng gia công?

Giải quyết:
– Căn cứ khoản 51 và 52 điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính.
DNCX thuê gia công không phải thực hiện thủ tục hải quan khi giao, nhận hàng hóa phục vụ hợp đồng gia công, sản phẩm gia công. Đối với trường hợp không làm thủ tục hải quan, công ty có trách nhiệm lập và lưu trữ chứng từ, sổ chi tiết theo dõi hàng hóa đưa vào, đưa ra theo các quy định của Bộ Tài chính về mua bán hàng hóa, chế độ kế toán, kiểm toán, trong đó xác định rõ mục đích, nguồn hàng hóa.
Ngoài ra, tuỳ hình thức xử lý phế liệu, phế phẩm như tiêu huỷ, xuất khẩu ra nước ngoài, tiêu thụ trong nước,…công ty và đối tác liên quan khác như doanh nghiệp nội địa phải làm thủ tục hải quan theo thời hạn thoả thuận của hợp đồng gia công.

Tình huống 2: Công ty là DNCX muốn nhận gia công với doanh nghiệp chế xuất khác trong nước. Trong hợp đồng gia công thể hiện phần phế liệu phế thải (phế liệu trong định mức và ngoài định mức, không có giá trị sử dụng) sẽ do bên nhận gia công tiêu hủy thay bằng việc chuyển trả lại để tiết kiệm. Doanh nghiệp nhận gia công có được xử lý phế liệu phế thải theo hợp đồng gia công hay không? Và khi tiêu hủy có phải gửi công văn tới chi cục Hải Quan và Chi cục Hải Quan có giám sát phần phế liệu phế thải tiêu hủy đó không?

Giải quyết:
– Căn cứ Khoản 5 điều 76 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính;
– Căn cứ khoản 5, khoản 7 Điều 75 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018;
– Căn cứ điểm d khoản 3 Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018.
Công ty không phải làm thủ tục hải quan khi đưa hàng hóa cho DNCX khác để gia công và nhận lại sản phẩm gia công từ nội địa. Theo đó, công ty không phải thực hiện thủ tục thông báo hợp đồng gia công và cơ sở sản xuất cho cơ quan hải quan. Tuy nhiên, công ty có trách nhiệm lưu giữ và xuất trình các chứng từ tài liệu liên quan đến hoạt động gia công. Việc xử lý phế liệu, phế thải thực hiện theo quy định nêu trên.
Việc báo cáo quyết toán sử dụng nguyên liệu, vật tư của DNCX theo mục tiêu hoạt động (kể cả nguyên liệu tự cung ứng cho hợp đồng nhập khẩu hay mua trong nước) công ty vẫn phải thực hiện khi kết thúc năm tài chính theo điều 60 Thông tư 38/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC.

Tình huống 3: Công ty là doanh nghiệp chế xuất với 100% vốn nước ngoài. Công ty chúng tôi hiện tại đang có một số phế liệu đồng thu được trong quá trình sản xuất (thực hiện hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài) muốn xuất khẩu ra nước ngoài (xuất khẩu theo chỉ định của thương nhân nước ngoài – bên thuê gia công), số phế liệu này phù hợp với tỷ lệ hao hụt 3% của tổng lượng nguyên liệu thực nhập. Vậy xin hỏi: 1. Khi khai báo tờ khai xuất khẩu phế liệu đồng trên hệ thống VNACCS thì chọn mã loại hình của tờ khai xuất khẩu là gì?

Giải quyết
– Căn cứ Khoản 5, Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính
Đối với số nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công không quá 3% tổng lượng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu thì khi bán, tiêu thụ nội địa không phải làm thủ tục hải quan chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo đó, số phế liệu của 3% hao hụt này khi xuất khẩu phải làm thủ tục và mở tờ khai hải quan.
Mặt hàng “Đồng phế liệu” xuất khẩu không thuộc diện phải xin giấy phép để xuất khẩu nhưng phải kê khai nộp thuế xuất khẩu theo quy định của pháp luật về thuế XNK.