9 bước làm thủ tục hải quan nhập khẩu theo loại hình kinh doanh nhanh nhất

28/03/2023


Tại Việt Nam những năm gần đây, nhu cầu sử dụng hàng nhập khẩu ngày càng tăng cao. Chính vì thế việc làm thủ tục hải quan để nhập khẩu hàng hoá nhanh nhất là rất cần thiết. Vậy, làm sao để có thể làm thủ tục hải quan nhập khẩu theo loại hình kinh doanh nhanh và chính xác nhất?

Để làm thủ tục nhập khẩu theo loại hình kinh doanh nhanh chóng và hiệu quả, bạn cần tuân thủ theo 9 bước dưới đây:

Bước 1: Xác định rõ loại hàng hoá nhập khẩu

Khi muốn nhập khẩu bất kỳ mặt hàng nào vào Việt Nam, bạn cần xác định rõ mặt hàng mà bạn sẽ nhập nằm trong danh mục sản phẩm nào của Việt Nam.  Có thể kể đến các loại như hàng thương mại thông thường, hàng cấm, hàng phải xin phép nhập khẩu, hàng cần công bố hợp chuẩn hợp quy, hàng cần kiểm tra chuyên ngành. Một khi đã xác định được hàng của mình thuộc loại nào, bạn có thể dễ dàng chuẩn bị hồ sơ để làm thủ tục nhập khẩu.

Bước 2: Ký hợp đồng ngoại thương

Đây là bản hợp đồng ký kết giao dịch giữa bên mua và bên bán tại 2 quốc gia khác nhau và là loại giấy tờ cực quan trọng khi làm thủ tục hải quan. Trong bản hợp đồng có nêu đầy đủ các thông tin cần có như tên bên mua và bên bán, tên hàng hoá, số lượng, giá cả… Bên cạnh đó, trong bản cũng cần quy định thêm một số các điều khoản khác liên quan đến hình thức thanh toán, giấy tờ…

Bước 3: Kiểm tra bộ chứng từ hàng hoá

Khi làm hồ sơ hải quan nhập khẩu, bạn cần chuẩn bị một số giấy tờ như Hợp đồng ngoại thương, Vận tải đơn (3 bản chính), Hoá đơn thương mại (3 bản chính), Bản kê hàng hoá (3 bản chính), Giấy chứng nhận xuất xứ.

Tuỳ vào từng mặt hàng mà sẽ có thêm các giấy tờ như giấy chứng nhận chất lượng, giấy chứng nhận phân tích, giấy xác nhận hun trùng… Thông thường, các loại giấy tờ này sẽ do bên bán gửi cho bên mua. Bạn kiểm tra kỹ một lần nữa xem các giấy tờ này đã đủ hay chưa trước khi đi làm thủ tục hải quan.

Bước 4: Đăng ký kiểm tra chuyên ngành (nếu có)

Nếu hàng hoá bạn nhập khẩu thuộc vào loại cần kiểm tra chuyên ngành thì bạn phải đăng ký kiểm tra chuyên ngành. Thời gian khuyến cáo để đăng ký kiểm tra chuyên ngành là ngay sau khi nhận được Giấy báo hàng đến. Khi tàu đến cảng 1-2 ngày bạn sẽ nhận được giấy báo này từ bên vận chuyển.

Bước 5: Khai vào tờ truyền hải quan

Sau khi bên vận chuyển gửi giấy báo hàng đến và các công ty đăng ký kiểm tra chuyên ngành xong thì việc cần làm tiếp theo là tiến hành khai báo hải quan. Để có thể khai báo nhanh gọn, công ty đó cần phải có chữ ký số và đã đăng ký chữ ký số đó với Tổng cục Hải Quan.

Việc khai tờ khai hải quan có thể được thực hiện trực tiếp trên hệ thống VNACCS của Tổng cục Hải quan hoàn toàn miễn phí. Tuy vậy thông thường, các công ty, doanh nghiệp thường mua phần phềm khai báo Hải quan của các công ty uy tín.

Tờ khai hải quan có chứa rất nhiều thông tin khác nhau và người khai phải điền đầy đủ thông tin theo đúng yêu cầu đưa ra. Nếu khai báo hợp lệ thì sẽ được chuyển qua bước tiếp theo, còn nếu không, người khai phải khai lại và quá trình này cực kỳ mất thời gian. Chính vì vậy người khai cần hết sức cẩn thận khi khai tờ khai hải quan.

Bước 6: Lấy lệnh giao hàng

Loại giấy từ này được phát hành bởi công ty vận chuyển hoặc hãng tàu lưu hàng ở cảng hoặc kho giao hàng. Để có thể lấy được lệnh giao hàng, người khai cần đến hãng vận chuyển và chuẩn bị một số giấy tờ gồm 1 bản sao chứng minh nhân dân, 1 bản sao vận đơn, 1 bản vận đơn gốc đã đóng dấu, tiền phí.

Bước 7: Chuẩn bị hồ sơ hải quan

Tờ khai hải quan sau khi được truyền đi sẽ được phân luồng thành luồng xanh, luồng vàng và luồng đỏ. Đối với tờ khai thuộc luồng vàng và luồng đỏ, bạn sẽ phải chuẩn bị bộ hồ sơ giấy cùng thủ tục theo quy định để hải quan kiểm tra hàng hoá. Nếu thuận lợi và hàng hoá chính xác như đã đăng ký thì hàng hoá sẽ được cấp phép thông quan

Bước 8: Nộp thuế

Sau khi hàng hoá được cấp phép thông quan thì người khai hải quan sẽ nộp thuế theo quy định. Tiếp đến, hàng hoá sẽ được hoàn tất các thủ tục nhập hàng.

Bước 9: Thực hiện đổi lệnh và nhập hàng về kho

Khi chuẩn bị xong kho bãi và phương tiện vận chuyển hàng hoá, người khai mang lệnh giao hàng đã lấy từ trước cùng giấy giới thiệu của chủ hàng, phiếu cược vỏ hãng tàu, mã vạch tờ khai hải quan đã được đăng ký đến cho bên hải quan. Các nhân viên hải quan sẽ kiểm tra và lên đơn thanh toán phí nếu có. Sau khi hoàn tất các thủ tục, hàng hoá sẽ được vận chuyển về kho hàng của công ty đó.